1. Mua SIM trả góp là hình thức giao dịch an toàn và hợp pháp
Trả góp là hình thức thanh toán cho phép bạn mua SIM và trả tiền theo nhiều đợt nhằm giảm bớt áp lực tài chính. Đây là hình thức mua bán được pháp luật bảo hộ theo quy định tại Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 453. Mua trả chậm, trả dần
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Căn cứ theo quy định trên, việc mua SIM trả góp sẽ hợp pháp nếu được giao kết bằng hợp đồng dưới dạng văn bản. Bên cạnh đó, SIM được mua dưới hình thức trả góp thường có giá bán cao. Vậy nên các bên bán uy tín sẽ cung cấp hợp đồng trả góp với điều khoản rõ ràng, minh bạch quyền và nghĩa vụ của các bên.
Hình thức mua SIM trả góp chỉ an toàn và hợp pháp nếu hai bên giao kết hợp đồng dưới dạng văn bản
2. 3 trường hợp mua SIM trả góp nên tránh
Mua SIM trả góp tiềm ẩn một số rủi ro như sau:
- Thanh toán đủ tiền thì bị khóa SIM
- SIM không chính chủ
- Bị tăng thêm tiền lãi ngoài thỏa thuận
- Khóa SIM trước hạn thanh toán vì không thanh toán tiền đúng hạn
Bạn có thể dự đoán tính an toàn của việc mua bán dựa vào các yếu tố trong giao dịch mua SIM như đơn vị bán, hợp đồng, hình thức giao dịch (online hay trực tiếp),... Cụ thể:
2.1 Bên bán không có thông tin rõ ràng
Dấu hiệu nhận biết là website có địa chỉ không rõ ràng, không đăng ký với Bộ Công thương theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP:
“1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành thông báo trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử trước khi chính thức bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến người dùng.”
2.2 Bên bán không minh bạch về phương thức giao hàng, thanh toán
- Yêu cầu người mua phải thanh toán chuyển khoản trước rồi mới giao SIM.
- Lãi suất trả góp (nếu có) cao hơn 20%/năm.
- Không giao trực tiếp mà giao qua đơn vị vận chuyển (Trong trường hợp này bên bán có thể giao SIM không giống như cam kết, giao SIM kém chất lượng nhưng đổ lỗi cho bên thứ 3 gây thiệt hại để không chịu trách nhiệm,...).
2.3 Giao dịch mua trả góp không dựa trên hợp đồng
- Bên bán không cung cấp hợp đồng hoặc từ chối giao kết hợp đồng
- Bên bán có cung cấp hợp đồng nhưng quy định chung chung với các điều khoản mập mờ
- Quy định trong hợp đồng chỉ có lợi cho bên bán
Không mua SIM trả góp tại những nơi có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến hợp đồng, tên, địa chỉ,...
Một trong những điều khiến bạn có thể an tâm hơn về độ an toàn và chất lượng sử dụng trong lâu dài thì bạn nên lựa chọn cân nhắc giữa các nhà mạng lớn, uy tín. Tham khảo sim 4G từ nhà mạng có 26 năm hoạt động: 4 lợi ích khi dùng SIM 4G VinaPhone mạng nhanh, nhiều ưu đãi
3. 4 lưu ý bạn nên biết khi mua SIM trả góp
3.1 Cân nhắc khả năng tài chính của bản thân
Trước khi mua trả góp, người mua cần cân đối lại thu nhập để đảm bảo có khoản tiền thanh toán đúng hạn.
Bạn cần hỏi rõ chính sách của bên bán liên quan đến lãi suất trả góp, phí dịch vụ (nếu có) và chính sách khi chậm thanh toán trả góp. Điều này giúp bạn có các phương án dự phòng để không chịu lãi phạt nếu gặp khó khăn tài chính trong quá trình trả góp SIM.
Người mua nên cân nhắc khả năng chi trả trước khi mua trả góp SIM
3.2 Chỉ mua SIM trả góp nếu có hợp đồng, không giao dịch miệng
Hợp đồng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên cũng như ràng buộc trách nhiệm của bên kia. Do đó, bạn chỉ nên đồng ý tham gia trả góp khi mua SIM nếu bên bán cung cấp được hợp đồng với điều khoản rõ ràng, cân đối quyền - nghĩa vụ của hai bên.
Nếu bên bán cung cấp hợp đồng sơ sài với những điều khoản chung chung, bạn nên yêu cầu bên bán giải thích, bổ sung kịp thời. Đọc hợp đồng cũng là kỹ năng cần có khi tham gia các giao dịch trả góp. Hãy tập trung vào các nội dung dưới đây khi đọc hợp đồng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân:
- Thông tin cá nhân ở phần đầu hợp đồng (Họ tên, giấy tờ pháp lý, …)
- Điều khoản thanh toán (thời gian thanh toán, các đợt thanh toán, chi phí thanh toán theo đợt)
- Lãi suất và chi phí dịch vụ (nếu có): Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất không được quá 20%/năm
- Thời điểm sang tên SIM chính chủ
- Lãi phạt (phạt chậm trả, phạt do đơn phương chấm dứt hợp đồng,...)
Chỉ giao dịch trả góp SIM trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản
3.3 Nên ưu tiên hình thức thanh toán chuyển khoản
Bạn nên ưu tiên hình thức thanh toán chuyển khoản sau khi nhận được SIM. Nếu phải thanh toán tiền mặt thì cần có phiếu chi, chứng từ chứng nhận đã thanh toán đủ từng đợt để làm bằng chứng.
Giao dịch chuyển khoản giúp người mua có cơ sở để chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán
3.4 Chọn nơi bán uy tín
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết một địa chỉ bán SIM trả góp uy tín:
-
Có giấy phép kinh doanh và địa chỉ rõ ràng.
Bạn có thể tra Google Maps để biết đây có phải địa chỉ thật không, tránh trường hợp bên bán dùng văn phòng ảo. Bên bán cần dùng thống nhất 1 địa chỉ trên website, hợp đồng, quảng cáo,...
- Website uy tín sẽ có thông tin đăng ký với Bộ Công thương.
- Có địa chỉ kinh doanh rõ ràng và có văn phòng thực.
Sau khi mua sim tại các địa chỉ hoặc đại lý có đầy đủ chứng từ pháp lý thì bạn có thể được hỗ trợ đăng ký kích hoạt sim ngay tại nơi mua. Tham khảo các cách đăng ký dễ dàng nhất:
- Hướng dẫn đăng ký sim chính chủ VinaPhone 2023
- 4 lợi ích khi dùng SIM 4G VinaPhone: Mạng nhanh, nhiều ưu đãi
Bạn chỉ nên giao dịch các SIM được công khai trên website, tránh bị lừa sử dụng SIM rác, SIM không chính chủ. Bạn nên tìm kiếm thông tin trên các hội, nhóm, diễn đàn SIM số đẹp như Mua bán SIM số đẹp toàn quốc hay nhóm SIM Số Đẹp giá rẻ để xem đánh giá về địa chỉ bán, số SIM, hay lời khuyên thực tế và cảnh báo khi mua.
Như vậy, mua SIM trả góp sẽ an toàn khi bạn mua tại địa chỉ cung cấp dịch vụ uy tín, có đăng ký kinh doanh rõ ràng, thông tin minh bạch. Ngược lại, nếu bạn “nhẹ dạ cả tin” mua SIM mà không tìm hiểu kỹ nơi bán, hợp đồng trả góp, thì sẽ có nguy cơ bị lừa đảo.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn tìm câu trả lời cho câu hỏi “Mua SIM trả góp có an toàn không?”. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi về SIM và các chương trình ưu đãi của VNPT VinaPhone, vui lòng liên hệ hotline 1800 1091 để được tư vấn chi tiết nhé!